Liệu chúng tôi có thể tiếp tục sống với nhau vì con?
Nhìn hình bàn tay nắn nót của một bé trai đang điền vào tờ giấy kê khai nguyện vọng muốn ở với ai sau khi bố mẹ ly hôn đang được lan truyền trên mạng xã hội mà lòng tôi nghẹn đắng. Tôi bất giác thấy tim mình như thắt lại vì tôi đã tưởng tượng được hình ảnh, cảm xúc của đứa con trai mình trong hoàn cảnh đó thế nào, tôi đau một chắc con phải đau 10 khi gia đình tan vỡ.
Ảnh minh họa
Vợ chồng tôi lập gia đình khi cả hai cùng 28 tuổi. Thuở ấy ai cũng khen chúng tôi hợp nhau, đẹp đôi và có cái kết đẹp sau 5 năm yêu nhau. Họ cho rằng chúng tôi “cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”.
Thế nhưng cuộc sống hai vợ chồng quê ra thành phố lập nghiệp đầy khó khăn, khó khăn nhân lên gấp bội khi chúng tôi sinh con đầu lòng 1 năm sau cưới. Cả gia đình ở trong căn nhà thuê chật hẹp chỉ 15m2, có những ngày ăn cơm với cá thịt nhưng cũng có những ngày chỉ ăn cơm với rau muống luộc và đậu, thậm chí là 1 bát mì gói chia 3. Ấy vậy mà mọi thứ hạnh phúc vô cùng, hai vợ chồng ngày ngày làm các công việc thuê ở chợ người, tối lại cùng con học hoặc nằm ườn nghe con kể chuyện ở trường ở lớp.
Cuối cùng đúng như người đời thường nói, khi giàu có người ta thường quên đi lời thề trong giông bão. Từ một cặp vợ chồng nghèo khó, chúng tôi nhờ được sự hỗ trợ của người chủ nơi làm thuê mà nhanh chóng làm ăn tốt lên trông thấy. Trong một lần liều lĩnh đầu tư vốn làm ăn, vợ chồng tôi lãi hơn 100 triệu. Số tiền mơ ước cả đời cũng không bao giờ nghĩ đến.
Chồng tôi là người chăm chỉ lại có ý chí, cũng thông minh nên anh nhanh chóng tận dụng cơ hội mở rộng việc kinh doanh, từ cửa hàng nhỏ lên cửa hàng lớn rồi nhân rộng thành nhiều chi nhánh khác nhau. Từ đó gia đình chúng tôi cùng nhau chuyển về tổ ấm đầu tiên mua được là căn hộ chung cư hơn 1 tỷ, sau đó là căn nhà đất đầu đời ở đất Hà Nội hơn 3 tỷ.
Tuy nhiên song song với việc làm ăn kinh doanh tốt cũng là lúc khoảng thời gian vợ chồng chúng tôi dành cho gia đình, cho cậu con trai đang lớn không nhiều. Những bữa cơm thưa thớt thằng bé có bố mà không có mẹ, có mẹ mà không có bố, thậm chí là ngồi ăn một mình với người giúp việc. Nghĩ lại tôi thấy mình là một bà mẹ tồi vô cùng.
Ảnh minh họa
Chồng tôi có người tình bên ngoài và tôi cũng phát hiện được sau những buổi đêm về khuya, những bữa cơm tối vắng mặt và những ngày lễ chẳng bao giờ ở nhà. Tôi đã đau đớn vô cùng khi biết được sự thật ấy. 11 năm bên nhau, 5 năm yêu cùng biết bao sự cố gắng, đổi lại là sự thay đổi của người chồng, anh mê “áo mới”, rũ bỏ tấm “áo cũ” là tôi với lý do không cùng chung chí hướng với anh, không phải là tình yêu đích thực, không hiểu con người anh và không mang lại cho anh cảm giác bình yên trong cuộc sống.
Sau những cuộc cãi vã với sự chứng kiến của cả cậu con trai, chúng tôi quyết định dừng cuộc hôn nhân 16 năm tại đây, làm đơn ra tòa ly hôn. Thế nhưng mọi thứ không êm đẹp như vợ chồng tôi nghĩ vì ai cũng muốn giành quyền nuôi con:
– Anh rồi cũng lập gia đình mới với người tình bé nhỏ, anh sẽ có những đứa con mới nên sẽ không còn thời gian cho con trai chúng ta nữa nên xin anh hãy để tôi nuôi con – tôi nói.
Thế nhưng anh cũng đáp lại:
– Cô ấy hiền lành chắc chắn sẽ nuôi dạy đứa trẻ tốt hơn cô, một người mẹ lúc nào cũng nóng tính, hay quát tháo và kiểm soát. Bên cạnh đó nếu cô đi lấy chồng khác thì người ta chưa chắc đã chấp nhận thằng bé, còn người yêu tôi, cô ấy rất thương thằng nhỏ và đồng ý cùng tôi nuôi dạy nó.
Ảnh minh họa
Cuộc cãi vã không hồi kết khiến những phiên tòa xét xử ly hôn của chúng tôi liên tục bị gián đoạn, hoãn lại.
Lần cuối cùng là vào đầu tháng 5 vừa qua, con chung của chúng tôi cũng được đưa đến tòa để tham gia phiên tòa ly hôn của bố mẹ. Đứa nhỏ đã 10 tuổi, theo tòa thì nếu bố mẹ không tự phân chia được quyền nuôi con thì đứa nhỏ sẽ hoàn toàn có thể tự đưa ra quyết định sẽ theo ai sau khi bố mẹ chia tay.
Ngay tại phiên tòa, con trai tôi được phát 1 tờ giấy kê khai để bé điền vào nguyện vọng mong muốn của mình xem sẽ ở với ai. Đứa trẻ đứng lên nhận lấy tờ giấy, con đưa mắt nhìn bố rồi nhìn mẹ, cả hai chúng tôi đều nhìn con trìu mến và gửi gắm toàn bộ thông điệp qua ánh mắt “Xin hãy ở với bố/mẹ, ta sẽ đem lại cho con cuộc sống tốt nhất”.
Đứa trẻ ngồi xuống trầm tư một lúc sau đó cũng hì hục ngồi viết. Sau đó con giao tờ giấy đó cho chủ tọa phiên tòa. Người đàn ông chừng 50 tuổi nhận lấy tờ giấy, ông chưa đọc luôn mà tháo kính chùi nước mắt. Ông giơ tờ giấy lên cao cho mọi người cùng nhìn và nói:
– Trên tờ giấy xuất hiện một vài giọt nước của đứa nhỏ.
Ông dừng lại vài giây rồi đeo kính vào đọc to dòng nguyện vọng của con trai tôi:
– Con muốn bố mẹ đừng ly hôn, con không muốn gì khác ngoài muốn sống với bố mẹ như những ngày chúng ta còn ở chung trong căn nhà thuê, đó là quãng thời gian hạnh phúc nhất đối với con.
Ảnh minh họa
Vợ chồng chúng tôi nhìn nhau rồi cùng ngồi xuống ghế, cúi mặt. Tôi biết anh cũng giống như tôi vừa bất ngờ vừa nghẹn họng lại vì mong ước của con. Tôi thậm chí đã òa khóc ngay tại đó. Trong phiên tòa xuất hiện nhiều người cũng sụt sùi nước mắt giống như tôi.
Phiên tòa xét xử một lần nữa tiếp tục hoãn theo nguyện vọng của cả đôi bên. Từ đó đến nay cả gia đình tôi vẫn sống chung trong một ngôi nhà, vợ chồng tôi hạn chế giao tiếp riêng nhưng khi có mặt con thì thoải mái hơn. Chồng tôi nói cả hai cần ngồi lại bàn bạc với nhau và với con nhiều hơn.
Tâm sự từ độc giả bichhanh…@gmail.com