Là cha mẹ, ai cũng mong các con của mình luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Và đôi khi vì nghĩ các con là anh chị em ruột nên hầu như cha mẹ nào cũng xem những hành động ngủ cùng nhau, tắm cùng nhau, ôm vai bá cổ nhau của các con là chuyện bình thường.
Trong suy nghĩ của các ông bố bà mẹ, đây là minh chứng cho tình anh chị em khăng khít.
Tuy vậy, theo các nhà tâm lý học, cho dù là anh chị em ruột, cha mẹ vẫn nên yêu cầu các con giữ một khoảng cách nhất định, đặc biệt là với người khác giới. Vì sao lại thế?
“Con muốn cưới em khi con lớn”
Chị Phương rất hạnh phúc khi có hai đứa con, một trai một gái, vô cùng thông minh và xinh đẹp. Không những thế, hai đứa trẻ tuy sinh cách nhau 2 tuổi nhưng lại luôn yêu thương và nhường nhịn nhau.
Vì điều kiện gia đình không mấy khá giả để có phòng riêng nên chị Phương để hai con ngủ chung phòng với nhau suốt 11 năm nay.
Có nhiều người góp ý kiến là hai đứa trẻ đã lớn rồi, chị nên cho các con ngủ riêng ra.
Mỗi lần nghe thấy vậy, chị Phương chỉ cười và nghĩ họ lo chuyện bao đồng. Các con của chị là mối quan hệ anh trai và em gái, làm sao có thể nảy sinh vấn đề gì khi hai con ngủ chung với nhau.
Dù đã có nhiều người góp ý hai con đã lớn nên cho ngủ riêng, nhưng chị Phương lại cho rằng họ lo chuyện bao đồng (Ảnh minh họa).
Cho đến một ngày, cậu con trai lớn của bà mẹ này dõng dạc tuyên bố với mẹ: “Con muốn cưới em khi con lớn”. Ban đầu, chị Phương nghĩ là con đùa nhưng nhìn vẻ mặt nghiêm túc con, chị đã phải giật mình suy nghĩ lại.
Sau khi trấn tĩnh, chị Phương nhỏ nhẹ giải thích với bé trai: “Em là em gái của con, là người thân của con. Do đó, con và em không thể cưới nhau. Sau này, cả con và em sẽ kết hôn với một người khác”.
Nghe mẹ nói thế, con trai chị Phương không chịu: “Con không muốn em cưới người khác. Con muốn cưới em để hai anh em có thể sống bên nhau mỗi ngày”.
Những lời nói này của con trai khiến chị Phương sợ hãi. Chị vội bàn với chồng ngăn phòng cho hai con ngủ riêng và bắt đầu giáo dục giới tính cho con.
Đúng là làm cha mẹ ai cũng mong các con mình đoàn kết, yêu thương nhau ngay cả khi đã lớn. Song, không nên vì nghĩ các con là anh chị em ruột mà cha mẹ bỏ qua việc giáo dục giới tính cho con.
Tiến sĩ Jason Rafferty là bác sĩ nhi khoa, bác sĩ tâm thần trẻ em, công tác tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe vị thành niên thuộc Bệnh viện Nhi Hasbro (Mỹ), cho biết trẻ em bắt đầu nhận thức về giới tính khi con được khoảng 3 tuổi. Vì vậy, cha mẹ nên chú ý đến việc giáo dục giới tính cho con bắt đầu ở độ tuổi này.
1. Dạy con nhận thức về giới tính
Theo Tiến sĩ Rafferty, khoảng 2 tuổi, trẻ đã bắt đầu nhận biết về sự khác biệt cơ thể giữa con trai và con gái.
Lên 3 tuổi, con đã biết mình thuộc giới tính nào. Ở giai đoạn này, cha mẹ nên cho con biết rằng ngay cả trong mối quan hệ thân thiết nhất như cha mẹ – con cái, ông bà – cháu, anh chị em với nhau thì cũng phải có giới hạn và hành vi chuẩn mực.
Đây sẽ là tiền đề để sau này khi lớn lên, con sẽ không thực hiện các hành vi vượt quá giới hạn đối với những người khác.
Đồng thời con cũng sẽ biết cách bảo vệ mình khi bị người khác lạm dụng.
Cha mẹ không nên thay quần áo trước mặt con, không tắm chung giữa mẹ và con trai hoặc bố với con gái (Ảnh minh họa).
Nếu cha mẹ không biết bắt đầu từ đâu thì hãy mua cho con vài quyển sách về giáo dục giới tính.
Cha mẹ và con sẽ cùng nhau đọc, cùng nhau thảo luận về sự khác biệt cơ thể giữa con trai và con gái, những hành vi chuẩn mực khi giao tiếp với người khác giới.
Thêm vào đó, cha mẹ nên chú ý đến một số hành động nhỏ hàng ngày của mình như không thay quần áo trước mặt con, nhớ đóng cửa nhà vệ sinh, không tắm chung giữa mẹ và con trai hoặc bố với con gái.
Ngoài ra, phải cho con ăn mặc quần áo chỉnh tề, không nên vì tiện lợi trong việc cho con đi vệ sinh mà để con mặc quần bị xẻ.
2. Dạy con bảo vệ sự riêng tư của bản thân
Cha mẹ nên dạy con cách bảo vệ quyền riêng tư cá nhân , không “phơi bày” bản thân cũng như không xâm phạm quyền riêng tư của người khác.
Hãy nói với con rằng có sự khác biệt giữa con trai và con gái. Và ranh giới để bảo vệ bản thân chính là không cho phép người khác chạm vào những bộ phận riêng tư của con. Đó là 4 khu vực: miệng, ngực, phần giữa hai đùi và phần mông.
Đồng thời, con cũng không được phép chạm vào những khu vực này của người khác, cho dù người đó yêu cầu.
3. Thảo luận cởi mở với con về giáo dục giáo tính
Cha mẹ nên trao đổi với con một cách cởi mở, thoải mái về các vấn đề của giáo dục giới tính. Có như thế, con mới bảo vệ được bản thân và người khác (Ảnh minh họa).
Khi nói đến chuyện giáo dục giới tính, nhiều phụ huynh cảm thấy xấu hổ. Nhưng để con được an toàn thì cha mẹ cần phải vượt qua trở ngại này. Vì con chỉ có thể bảo vệ được mình và người khác khi con hiểu rõ được những vấn đề này.
Khi con được 9 – 12 tuổi: Đây là giai đoạn tiền dậy thì, cha mẹ cần dạy con sự khác biệt cụ thể giữa cơ thể con trai và con gái.
Dạy con bình tĩnh trước những biến chuyển của cơ thể mình. Đối với những bé dậy thì sớm, cha mẹ cần ở bên cạnh giảng giải các thắc mắc của con.
Sau khi hiểu được chuyện gì đang xảy ra với mình, con sẽ có khả năng học được cách phòng tránh tốt.
Khi con được 13 – 16 tuổi: Giai đoạn này cha mẹ cần cho con làm quen với các vấn đề sinh sản, những phản ứng của cơ thể, cách quan hệ tình dục an toàn, và các biện pháp phòng tránh khi quan hệ tình dục.
Và đặc biệt cha mẹ hãy dặn con giữ khoảng cách với bạn khác giới, không nên yêu sớm và hãy biết giữ gìn bản thân để bảo vệ sức khỏe sinh sản của mình cũng như của người khác.