Yên tâm trao gửi con cho trường mầm non tư thục với học phí đắt đỏ, không ngờ con cái lại nhận về sự đối xử phản giáo dục trong môi trường sư phạm có tiếng.

Khi con đến tuổi đi học, bố mẹ lại có thêm trăm ngàn nỗi lo lắng, không cho con đi học thì sợ con không phát triển, cho đi học lại sợ cảnh bạo lực học đường, vì ngoài xã hội có hàng trăm nghìn câu chuyện thương tâm tại các ngôi trường, để lại nhiều ấn tượng không tốt cho các bậc cha mẹ.

Mới đây, trên mạng xã hội Trung Quốc, cư dân mạng đất nước tỷ dân lan truyền những hình ảnh về một vụ bạo lực học đường ở ngôi trường mầm non có tiếng ở Hàm Dương, Thiểm Tây, Trung Quốc. Một nhóm phụ huynh của lớp mầm trong trường mẫu giáo tư thục đã vô cùng bức xúc tố cáo giáo viên và hiệu trưởng của ngôi trường này “vô lương tâm, vô giáo dục” vì có những hành động phản sư phạm không thể chấp nhận.

Theo bài viết đăng tải trên Zhihu, một phụ huynh cho biết, họ đã tập trung tại trường mầm non, yêu cầu nhà trường cho xem camera giám sát nhưng chỉ xem được phần đầu lúc đón trẻ, sau đó toàn bộ giờ học và giờ ngủ trưa đã bị xóa không rõ lý do. Sau khi chất vấn giáo viên và hiệu trưởng, nhóm phụ huynh nhận được câu trả lời là không thể cho phụ huynh xem để đảm bảo sự riêng tư của học sinh và giáo viên trong trường.

Nguyên nhân khiến nhóm phụ huynh ầm ĩ kéo đến trường, yêu cầu được xem camera giám sát là vì một bí mật đau lòng mà con cái của họ phải chịu đựng. Theo Sohu, những phụ huynh này đều phát hiện con cái của mình sau khi đi học về thì có những hành động cử chỉ vô cùng khác thường. Các con luôn giật mình khi ngủ, khóc thét lên, sợ hãi khi phải đi ngủ trưa. Chưa hết, một vài bé còn cắn móng tay đến cụt lủn, rớm máu, cắn chặt chăn khi ngủ…

“Con tôi rất ít khi cắn móng tay, nhưng gần đây con liên tục cho tay lên miệng cắn móng đến rớm máu. Sau này tôi mới biết, hóa ra nó sợ hãi và quá lo lắng…”, một phụ huynh cho biết.

Hình ảnh gây phẫn nộ MXH Trung Quốc

Nhiều phụ huynh khác cũng phàn nàn trong nhóm lớp nói rằng con cái của họ bị bắt nạt khi đi học, trên đầu và chân tay có các vết thương do dùng thước hoặc que đánh vào người, một vài bé có dấu hiệu thu mình lại, không chia sẻ nói chuyện với bố mẹ.

Chính vì vậy, các phụ huynh đã lập một nhóm chát riêng để cùng nhau giám sát, mọi chuyện chỉ thật sự được sáng tỏ khi một phụ huynh ngẫu nhiên check camera buổi trưa, phát hiện hành động không thể chấp nhận của cô giáo.

Cụ thể, trong video được cung cấp, 30 trẻ lớp mầm đang nằm ngủ trưa trong lớp, bé nào cũng trùm chăn kín mít, trong khi đó 2 cô giáo cầm thước to đi giữa các lối đi. Chỉ cần các bé giơ tay khỏi chăn, hoặc ngẩng đầu lên nhìn thì các cô sẽ dùng thước vụt vào đầu 6 lần.

Chưa hết, cô giáo chủ nhiệm thét ầm ĩ, dọa nạt các bé không ngủ trưa sẽ bị cho đứng góc lớp, đánh vào mông để làm gương. Một vài phụ huynh nói rằng, khi đi học về con cái họ kể chuyện cô giáo sẽ cho 2 học sinh tát nhau nếu nói chuyện riêng trong lớp, và sau đó những học sinh đó được thưởng kẹo để về nhà không mách lại với bố mẹ.

Thông tin này đã nhanh chóng thổi bùng sự giận dữ trong nhóm lớp, lan truyền khắp mạng xã hội. Ngay lập tức, hôm sau một buổi làm việc giữa nhóm phụ huynh và nhà trường được tổ chức nhưng thái độ của hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm chỉ càng làm cho đám đông phẫn nộ.

Cô giáo cầm thước đánh học sinh được xác định là cô chủ nhiệm, tại buổi làm việc với phụ huynh, phía hiệu trưởng nhà trường xin lỗi vì buông lỏng quản lý, 2 giáo viên lớp đó đã bị đình chỉ công việc nhưng vẫn không nguôi ngoai nỗi tức giận trong nhóm phụ huynh.

“Tôi đã yên tâm trao gửi con mình cho nhà trường, vậy mà cô chủ nhiệm – người các con coi là mẹ thứ 2 lại nhẫn tâm đánh các cháu như vậy. Nếu không xem được video không biết, con chúng tôi sẽ bị đánh, ảnh hưởng đến tâm lý tới lúc nào nữa”, một phụ huynh trong nhóm giãi bày.

Cô giáo mầm non ở Thiềm Tây cầm thước, sách vụt vào đầu trẻ

Câu chuyện bạo lực học đường không còn là chuyện lạ trong thời đại ngày nay, nhất là khi mạng xã hội phát triển, phụ huynh càng có cơ hội để chứng kiến, đưa ra đánh giá về thực trạng này trong xã hội.

Ở môi trường sư phạm Việt Nam, vụ việc bạo lực học đường gần đây nhất xảy ra ở Đồng Nai. Theo Tuổi Trẻ, cô giáo ở trường mầm non tư thục Tuổi Ngọc (khu phố 11, phường An Bình) đã dùng tay tát vào mặt và trán của bé trai 2 tuổi 31 lần. Thông tin ban đầu, chiều 17-5, chị Nguyễn Thị Thảo (33 tuổi, ngụ phường An Bình) đón cháu H.M.H. (2 tuổi, con trai chị Thảo) về nhà thì phát hiện có nhiều vết bầm trên trán và má của con. Sau khi gọi điện gặng hỏi, cô Nguyễn Thị Bích Hường (giáo viên chủ nhiệm lớp nhà trẻ 1) thừa nhận đánh bé trai trong bữa ăn cùng ngày.

Sau khi vụ việc xảy ra, Công an phường An Bình đã xác minh hình ảnh camera, mời các bên liên quan lên làm việc. Theo hình ảnh camera trích xuất từ nhà trường cho thấy trong lúc cho trẻ ăn trưa, cô Hường đã dùng tay tát, đánh khoảng 31 cái vào má, trán của cháu H..

Thời điểm cô Hường bạo hành cháu H., một bảo mẫu khác cũng có mặt chứng kiến nhưng không có biện pháp ngăn chặn. Sau đó nhà trường đã ra quyết định tạm đình chỉ đối với cô Hường vào ngày 18-5. Vụ việc khiến dư luận sôi sục, phẫn nộ vì đây là hành vi bạo lực học đường là điều không thể chấp nhận trong môi trường sư phạm.

 

Hình ảnh vụ việc ở trường mầm non Đồng Nai

Bạo lực học đường là điều không ai mong muốn, với lứa tuổi nhà trẻ mầm non, giai đoạn này các bé đều chưa nói sõi, chưa biết kể lại mọi chuyện nên càng khiến nhiều bậc phụ huynh lo ngại khi cho con đi học. Để tránh những điều không mong muốn xảy ra, phụ huynh nên lưu ý một vài điều sau trước khi gửi con vào cánh cửa mầm non.

1. Tìm môi trường giáo dục tốt cho con

Một ngôi trường giáo dục tốt sẽ cho bé những năm tháng tuổi thơ đầy ý nghĩa, giúp bé trưởng thành hơn mỗi ngày, có trí tuệ và tình cảm sâu sắc. Chính vì vậy, ngay từ khi cho bé đi học mầm non, ba mẹ cần dành thời gian để tìm hiểu thật kĩ và lựa chọn trường cho con. Trường tốt phù hợp với điều kiện gia đình, có cơ sở vật chất tốt, an toàn cho bé, giáo viên nhiệt tình yêu thương trẻ, có phương pháp giáo dục phù hợp, có camera trực tuyến theo dõi…

2. Làm tư tưởng cho con

Tư tưởng vô cùng quan trọng, bố mẹ có thể nói chuyện với con về chuyện đi học trước 1-2 tuần, cho trẻ đến thăm trường lớp, làm quen với cô giáo bạn bè…Ba mẹ có thể dẫn bé đi mua đồ cần thiết cho ngày đi học, để bé chọn những thức mình thích. Bé cũng sẽ thấy háo hức và mong chờ việc đi học hơn.

3. Chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho con

Các đồ dùng cần thiết cho con đi học mẫu giáo bao gồm balo đựng quần áo, sữa hay bình nước, tã bỉm quần áo thay mỗi buổi…

4. Trao đổi với cô giáo về thói quen, tâm lý của con

Để bé cảm thấy thoải mái khi đi học, bố mẹ nên chia sẻ trước với giáo viên về thói quen ăn uống, sinh hoạt, vui chơi của con ở nhà. Cô giáo sẽ có phương pháp phù hợp để điều chỉnh cho bé thích nghi với lớp học dần dần. Bé sẽ không cảm thấy bị sốc khi thay đổi môi trường và thói quen đột ngột.

5. Chú ý đến tâm lý và sức khỏe của con ngay từ những ngày đầu đi học

Một số bé sau khi đi học về có biểu hiện như khóc mơ, khóc nhiều mỗi khi đi học,… Đó là những biểu hiện tâm lý thường thấy ở trẻ đi học mầm non sớm, cho thấy bé chưa hòa đồng với lớp học mới. Bố mẹ cần dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ với con, kể chuyện cho bé trước khi đi ngủ, vỗ về nhẹ nhàng nếu bé khóc mơ,… Tránh hù dọa bé rằng không đi học thì sẽ bị cô giáo đánh sẽ càng làm bé sợ hãi.

Nếu trẻ ốm, bố mẹ nên bổ sung vitamin dưỡng chất cho con để tăng sức đề kháng, đi học không phải gián đoạn, tránh việc trẻ phải làm quen lại từ đầu nếu như nghỉ học quá nhiều.