Toàn bộ sự thật về cảm nhận, cuộc sống của con bé được nó ghi chép trong một cuốn sổ.
Trong nhà có con gái lúc nào cũng như quả bom nổ chậm vậy. Thế nhưng tôi không ngờ nguồn cơn khiến cho “quả bom” đó “phát nổ” lại chính từ bản thân mình.
Tôi lập gia đình từ khi còn khá trẻ, mới 22 tuổi bạn bè còn đang vui chơi thì tôi lấy chồng hơn 8 tuổi. Cả hai chung sống đã khá nhiều năm và hiện có một cô con gái 17 tuổi.
Chuẩn bị hàng trang cho con bước vào đại học thì một ngày, tôi phát hiện chiếc vỏ bao que thử thai trong nhà vệ sinh. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, tôi nhắn tin cho con gái chất vấn về nguồn gốc của chiếc que thử thai này. Thế nhưng điều đặc biệt là tôi nhắn tin từ sáng đến chiều con bé vẫn không hề trả lời. Thay vào đó 8h tối nó trở về cùng với người bạn học thường xuyên đi cùng nó.
Con gái 17 tuổi của tôi thừa nhận bản thân đã có bầu, thậm chí đang ở tháng thứ 4 nhưng thường xuyên nịt bụng nên bố mẹ không hay biết. Vì quá sợ hãi bố mẹ nên con bé được người bạn này đưa về. Chưa đợi tôi trách mắng, khá bất ngờ khi người bạn trai này lại lên tiếng nhận đó là con của chàng ta và chàng ta sẽ có trách nhiệm với con gái tôi.
Thực sự bản thân tôi cũng không biết nên vui hay nên buồn khi con gái mới đang là học sinh cấp 3, còn nhiều tương lai phía trước nhưng lại bất ngờ có em bé ở cái tuổi ẩm ương này. Thế nhưng bất ngờ vẫn chưa dừng lại ở đó khi trước mặt bạn trai và mẹ, con gái tôi lại thú nhận đứa trẻ trong bụng lại không phải là con của bạn trai mà lại là con của một người đàn ông khác mà nó quen được 1 lần trong khi đi bar và giờ cũng không biết người đàn ông đó là ai, đi đâu.
Thương người bạn trai hiện tại nhưng cũng không thể giấu lương tâm, con gái đã quyết định nói ra sự thật như vậy. Cả tôi và bạn trai con bé đều sững sờ, nhất là tôi. Tôi đã chất vấn con gái rất nhiều rằng tại sao con lại có những quan hệ lằng nhằng như thế bao lâu qua để rồi giờ mang bầu với một người đàn ông không hề hay biết. Thế nhưng con bé chỉ biết khóc và không hề nói ra bất kì lý do gì cả.
Chưa biết xử trí chuyện của con bé như thế nào thì trong một lần dọn phòng, tôi đã tìm ra được lý do khiến con gái tôi làm nhiều điều dại dột từ việc đi bar, yêu đương và quan hệ không an toàn như vậy. Tất cả đã được cô bé viết trong một cuốn sổ nhật kí cất kĩ trong tủ có khóa lại.
Trong cuốn nhật ký con bé viết chi tiết, tỉ mỉ những cảm xúc của bản thân, những việc diễn ra trong cuộc sống đời thường rằng bé đã phải chịu đựng, cảm thấy khó khăn như thế nào khi bố mẹ suốt ngày cãi nhau, thậm chí bố còn có lần động tay động chân với mẹ nhưng mẹ lại không hề phản kháng và luôn chịu đựng. Cô bé muốn đứng lên bảo vệ mẹ nhưng cũng bị bố cấm đoán.
Bao cảm xúc dồn nén của con bé bất ngờ lên đến cực điểm khi sau một lần gia đình cãi nhau lớn, cô bé phát hiện bố đang cặp kè với một nhân tình trẻ lại chính là bạn học ở trường của cô bé. Quá thất vọng về bố, về những cuộc nói chuyện cãi vã của hai bố mẹ, con gái tôi đã bắt đầu sống buông lỏng bản thân hơn và nghe theo những lời dụ dỗ của bạn bè để ăn chơi hơn. Mục đích cũng là nhận được sự quan tâm của bố mẹ, bố mẹ sẽ biết bản thân con gái đang phải chịu đựng rất nhiều điều. Và cái kết cuối nhật kí khiến tôi đau lòng hơn nữa khi con gái viết dòng chữ:
– Cuối cùng thì mình cũng đã đạt được điều mà mình mong ước, nhờ vào việc mình có thai mà mẹ mình đã quan tâm, hỏi han đến mình nhiều hơn. Bố mình thì cũng đã dừng việc ngoại tình vì lo sợ cô gái kia cũng mang bầu giống như con gái của ông. Mình đã thắng rồi.
Quá hoảng sợ trước những gì con gái viết, tôi ngẫm lại thấy cuộc sống của bản thân những năm qua thực sự trôi qua đúng như vậy. Tôi và chồng lấy nhau nhiều năm nhưng những cuộc cãi vã nhiều hơn là hạnh phúc và mạnh ai nấy sống. Thay vì quan tâm, yêu thương con gái thì chúng tôi lại chỉ cung cấp cho nó tiền để nó chơi bời lêu lổng dẫn đến kết cục như ngày hôm nay. Con gái đã đến tuổi dậy thì nhưng tôi vẫn nghĩ nuôi nó như một đứa trẻ bằng tiền và tiền.
Quá đau lòng trước những sự thật không thể ngờ này, tôi quyết định làm đơn ly hôn chồng. Tôi bảo lưu kết quả học tập cho con và đưa con gái đến một thành phố khác sinh sống, sinh con và nuôi con vì dù sao đứa trẻ cũng vô tội. Tôi hiểu rằng muộn còn hơn không, đứa trẻ vẫn còn nhiều tương lai phía trước và nó xứng đáng được hạnh phúc hơn và tự làm cho mình thành bi kịch chỉ vì bố mẹ.
Tâm sự từ độc giả quocvu…@gmail.com
Khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau, trẻ sẽ có suy nghĩ khác nhau tuỳ vào độ tuổi. Tuy nhiên, nhìn chung, đa số trẻ đều cảm thấy bất an, lo lắng và sợ hãi, thậm chí, một số trẻ sẽ cho rằng mình là nguyên nhân làm cho bố mẹ cãi nhau hoặc bố mẹ sẽ không yêu thương mình nữa.
Những suy nghĩ, cảm xúc này có thể là nhất thời nhưng cũng có thể ám ảnh trẻ trong một thời gian dài, thậm chí cũng đã có những đứa trẻ tự làm mình bị thương hoặc gây ra những chuyện như trên để giải phóng những cuộc cãi vãn của bố mẹ, làm bố mẹ quan tâm đến bản thân mình hơn.
Chính vì thế có thể nói tác hại khi bố mẹ cãi nhau gây ra cho trẻ là vô cùng lớn. Song trong đời sống hôn nhân, mâu thuẫn vợ chồng là điều không tránh khỏi. Nhưng không để làm ảnh hưởng đến con, cha mẹ nên tế nhị và không lôi kéo trẻ vào cuộc chiến của mình, không để con chứng kiến những xung đột của bố mẹ, sẽ làm con thấy chán nản về cuộc sống.
Đặc biệt với trẻ ở lứa tuổi dậy thì, để tránh việc trẻ làm ra những điều sai lầm chỉ vì bất đồng của bố mẹ, chúng ta nên:
1. Tăng cường giao tiếp với trẻ
Cha mẹ nên giao tiếp và giao tiếp với con nhiều hơn, bám sát việc học và cuộc sống của con cái, nói chuyện với chúng về chủ đề này. Điều này sẽ khiến bọn trẻ cảm thấy rằng bạn đang coi chúng như những người bạn. Sau một thời gian dài, trẻ sẽ nói chuyện với bạn và không trốn tránh.
2. Đưa ra lời khuyên phù hợp cho con bạn
Trẻ em vẫn còn nhỏ và chúng không hiểu nhiều về mọi thứ, vì vậy chúng sẽ bị choáng ngợp khi gặp phải mọi thứ và thậm chí là trốn tránh bạn. Tại thời điểm này, là một người đã từng trải, cha mẹ có thể cho con một số lời khuyên. Điều quan trọng nhất là dù trẻ có lựa chọn hướng nào đi chăng nữa, tiền đề phải là tự bảo vệ mình để không bị tổn thương.
Nếu cha mẹ thấy con có những vấn đề về cảm xúc, hãy ngồi lại và trò chuyện với con. Điều quan trọng nhất là để trẻ mở lòng hết mức có thể cho cha mẹ hiểu và đưa ra những lời khuyên chính xác nhất.