Con gái được đánh giá có năng khiếu hội họa nên người mẹ đã tìm một trung tâm cho cô bé theo học. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày thì cô bé này lại tỏ ra sợ hãi, cáu gắt…
Cô bé Bì Bì gần 4 tuổi, mới đi học mẫu giáo được một thời gian ngắn nhưng được cô giáo nhận xét là đứa trẻ có năng khiếu hội họa. Cụ thể, mỗi lúc tô màu cô bé rất chăm chú, khả năng phân biệt màu sắc tốt, phối màu cũng rất hài hòa. Sau khi nhận được tin nhắn này, mẹ của cô bé đã quyết định cho con gái tới trung tâm hội họa để phát triển kỹ năng.
Thế nhưng, trái ngược với mong muốn của mẹ, sau khi tham gia khóa đào tạo này được ít lâu Bì Bì dường như ngày càng thay đổi. Tính cách cô bé trước kia vốn vui vẻ, hay nói bỗng trở nên trầm tính và dễ cáu gắt.
Cô bé vốn hay nói hay cười bỗng trở nên trầm tính, dễ cáu gắt. (Ảnh minh họa)
Mẹ của Bì Bì đã tự nhủ không biết có phải con gái cảm thấy bị áp lực; không hài lòng với các bạn cùng lớp; con bị bắt nạt… Hay đơn giản là “sự khủng hoảng tuổi lên 4” nên thay đổi tính cách? Hàng loạt những giả thiết ấy được đặt ra nhưng mẹ Bì Bì vẫn không biết chính xác là tại sao. Cô đã gặng hỏi con gái nhưng cô bé chỉ ấp úng rồi không nói. Mẹ thì quá bận rộn cuối cùng cũng tạm gác lại vấn đề của con gái lại.
Một buổi tối, mẹ của Bì Bì tình cờ lấy tập tranh của cô bé ra xem vì nghĩ con gái cũng đi học một thời gian rồi, xem thành quả thế nào. Lúc này, người mẹ mới toát mồ hôi lạnh, sửng sốt… Những gì con gái thể hiện qua hình vẽ quá đáng sợ!
Hình vẽ của cô bé 4 tuổi quá đáng sợ.
Bì Bì vẽ hai người, một đứa trẻ đang la hét trong hoảng sợ khi bị người phía sau giữ chặt, kiểm soát. Người mẹ ngay lập tức hiểu ra vấn đề con gái nhỏ của mình gặp phải. Chắc chắn Bì Bì đã bị một người lớn quấy rối. Cô liền nhấc điện thoại và gọi cảnh sát.
Sau quá trình điều tra thì một thanh niên ngoài 20 tuổi là người tấn công Bì Bì. Gã này từng làm trợ giảng của trung tâm nhưng thái độ không niềm nở, thiếu trách nhiệm nên đã bị cho thôi việc. Anh ta khai rằng vì thấy cô bé dễ thương nên muốn ôm chứ không có ác ý. Dù thế, rõ ràng hành động của anh ta là cố ý quấy rối, cưỡng ép khiến đứa trẻ cảm thấy sợ hãi, không hạnh phúc.
(Ảnh minh họa)
Sau một thời gian được mẹ điều trị tâm lý, Bì Bì cũng trở nên vui vẻ trở lại. Trên thực tế, sự cố này cũng có phần lỗi của mẹ Bì Bì vì thiếu sự quan tâm tới con gái. Vậy nên phải 1 thời gian dài người mẹ mới nhận ra cô bé bị quấy rối. Điều cha mẹ cần lưu ý đó là hãy để ý những bất thường nhỏ nhất từ con cái, coi con như người bạn để chúng thoải mái chia sẻ và hãy kiên nhẫn lắng nghe.
Vậy làm thế nào để cha mẹ giáo dục con cái tăng cường khả năng bảo vệ bản thân trong những tình huống tương tự?
1. Bồi dưỡng nhận thức về an toàn cho trẻ
Cha mẹ đừng cho rằng đã gửi con tới trường, tới các trung tâm giáo dục thì con sẽ được an toàn. Ở bất kì nơi đâu, trẻ vẫn có thể gặp những nguy hiểm do yếu tố chủ quan hoặc khách quan. Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm đó chính là hướng dẫn, tăng cường nhận thức của con về việc tự bảo vệ bản thân.
Ngoài một số kỹ năng thoát hiểm, phòng vệ, cha mẹ còn cần thường xuyên đưa ra giả thuyết giúp con phán đoán, nhận biết sự nguy hiểm và đưa ra quyết định tự cứu mình.
2. Đừng bỏ qua giáo dục giới tính
Quay trở lại với câu chuyện nêu trên, nếu cô bé Bì Bì được mẹ giáo dục về giới tính, bé sẽ biết gã trai tấn công mình là sai trái mà báo với giáo viên, phụ huynh.
Parent coach Linh Phan: 6 lý do nên nói với con về “sex” từ khi 3 tuổi thay vì 13 tuổiĐỌC NGAY
Nhiều người cảm thấy khó nói với con về vấn đề nhạy cảm này. Tuy nhiên, chính cách cha mẹ nhìn nhận mới khiến nó trở nên không bình thường. Giáo dục giới tính phải trở thành một trong số những kiến thức bắt buộc cần dạy cho trẻ em, từ đó các bé sẽ nâng cao ý thức bất khả xâm phạm cơ thể và tự bảo vệ bản thân.
3. Dạy con học cách chống cự
Khi trẻ bị bắt nạt bởi những người lớn tuổi hơn mình, chúng sẽ có nỗi sợ hãi trong lòng. Vai trò của cha mẹ là dạy con phải đưa ra sự phản kháng trước những người này.
Ví dụ, khi ai đó chạm vào bộ phận nhạy cảm hoặc buộc con phải làm điều gì đó mà con không muốn làm, con phải từ chối. Nếu có ai đó ở gần, con hãy yêu cầu trợ giúp. Sau đó, nhất định phải nói lại với giáo viên và cha mẹ để ngăn chặn tình trạng này tái diễn.
Nguồn Sina