Nơi hàng chục năm mới có đám cưới giữa gái làng với trai thiên hạ
Ngôi làng Hoàng Xá bình yên ngoại thành Hà Nội, nơi khi xưa có tục cheo cưới độc đáo nhất vùng.
Ngược ra ngoại thành Hà Nội gần 40km, làng Hoàng Xá bao nhiêu năm nay vẫn giữ được những nét cổ kính, truyền thống bao đời. Trong đó có ngôi đình làng hàng trăm năm tuổi, chứng kiến biết bao nhiêu câu chuyện. Trong số đó có cả câu chuyện về những người con gái xinh đẹp, nhưng khó lấy chồng.
Đến tìm hiểu về câu chuyện trên, chúng tôi được người dân giới thiệu tới nhà thầy giáo Đặng Thiêm. Với ánh mắt hiền hậu, sau khi nhận lời trò chuyện ông khiêm tốn nói rằng: “Tôi không phải người chép sử, mà chỉ là người thích tìm hiểu lịch sử của làng”.
Đã 85 tuổi nhưng khi được hỏi về câu chuyện các cô gái làng này khó lấy chồng ông lại rất hứng thú, chia sẻ những tư liệu, câu chuyện mà chính ông tiếp nhận, ghi chép lại được từ những người “trong cuộc”.
Ông Đặng Thiêm với những tư liệu về tục cheo cưới của làng trong thời kỳ phong kiến.
Những nghiên cứu của ông về lịch sử của làng Hoàng Xá được xuất bản thành sách.
Qua lời chia sẻ của ông, câu chuyện về những người con gái xinh đẹp, đảm đang nhưng lại khó lấy chồng dần được “vén màn”. Lệ làng Hoàng Xá thời kỳ phong kiến quy định rằng, con trai ở ngoài làng muốn lấy được con gái của làng này phải là gia đình giàu có, cha mẹ hết sức hào phóng. Bởi tục cheo cưới rất nặng nề với những người con gái đi lấy chồng thiên hạ
Trước khi bước vào những câu chuyện thú vị về tục lệ độc nhất vô nhị đất Bắc này, ông Thiêm kể về những biệt tài mà con gái nơi đây không ai là không được rèn luyện. “Là một ngôi làng có nhiều nhà Nho, lễ giáo phong kiến thời đó đã được người trong làng hết sức coi trọng. Từ khi còn rất nhỏ, những cô gái đã được rèn về lời ăn, tiếng nói. Chỉ độ 9 tuổi đã phải theo mẹ đi buôn, ban đầu buôn từng cây kim, sợi chỉ, rồi dần đến buôn hàng xén trên chợ huyện. Đến tuổi lấy chồng, cô gái nào cũng đều trưởng thành, tháo vát việc nhà và biết làm ăn lo cho gia đình”.
Người phụ nữ làng Hoàng Xá ngày nay, ai cũng biết đến câu chuyện “phụ nữ khó lấy chồng” khi xưa.
Người con gái của làng Hoàng Xá chính vì thế được người đời luôn khen không tiếc lời bởi, “họ chỉ có một chiếc đòn gánh trên vai thôi, nhưng gánh vác giang sơn nhà chồng, gánh vác việc gia đình cứ nhẹ tênh, họ làm gì cũng nhanh thoăn thoắt”.
Nói về tục lệ của làng Hoàng Xá, ông Thiêm kể: “Chẳng phải là “Quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới” đâu, mà người làng đặt ra quy định rất khác biệt. Khi muốn xin dâu, làng sẽ vắt một sợi dây qua mái đình, bên kia treo 1 cối đá, bên còn lại treo một chiếc giỏ. Nhà trai phải mang tiền đồng cho vào cái giỏ đó, sao cho nâng được chiếc cối đá lên thì đủ lệ cho làng”.
Tuy vậy, đối với nhà gái họ còn thách cưới rất lớn, những cô gái giỏi, có tài và xinh đẹp thì thách cưới càng to, ngày cưới phải vượt qua cả tục chăng dây vòi tiền mãi lộ của đám trai làng.
Ngôi đình cổ, nơi thực hiện tục cheo cưới rất nặng nề trong thời kỳ phong kiến.
Nói về những quy định trong tục cưới xin khi xưa của làng, ông Thiêm phân tích cũng có nhiều những điều hay và rất nhân văn. Đầu tiên là việc mẹ đẻ đi hỏi, đi dạm ngõ, đi xin cưới cho con trai, đặc biệt trong đêm tân hôn, con dâu phải ngủ với mẹ chồng.
Ông Thiêm giải thích: “Trước hết, mẹ chồng tự tay đi chuẩn bị rất nhiều việc để đón con dâu về, điều đó thể hiện trách nhiệm của người mẹ đối với con dâu. Đêm đầu tiên nằm với con dâu, người mẹ chồng sẽ truyền dạy những ý ăn, ý ở, nếp sống của nhà chồng… Chính vì thế trong nhiều những đám cưới của làng Hoàng Xá ít những câu chuyện mâu thuẫn giữa mẹ chồng, nàng dâu, gia đình hòa thuận”.
Đám cưới của “hoa khôi” làng Hoàng Xá với đại gia phố Bạch Mai
Theo tư liệu từ ông Thiêm chia sẻ, đám cưới diễn ra vào năm 1937 giữa đại gia Trương Đăng Cát, gia đình ông sở hữu nhiều đất đai trên phố Bạch Mai với bà Trần Thị Tuyến con gái của một đại gia vận tải trong làng. Đám cưới được xem là to nhất và cũng là cuối cùng của hủ tục thời phong kiến này.
Bà Tuyến là con thứ 5 trong một gia đình giàu có, sở hữu 300 mẫu ruộng ở làng. “Bà rất đẹp, có thể nói là đẹp nhất làng. Đám trai làng, ai ai cũng say đắm nhưng lại không dám ngỏ lời. Thế rồi, một thầy giáo về dạy học ở làng nhìn thấy bà Tuyến, lại biết về gia cảnh của bà nên đã giới thiệu cho em trai mình”, ông Thiêm nhớ lại.
Cách đây hơn 80 năm ngoài số tiền cheo cho làng, nhà gái đã thách cưới nhưng món lễ vật mà nhiều gia đình thời nay cũng khó đáp ứng.
Để muốn lấy được người con gái làng Hoàng Xá, gia đình đại gia phố Bạch Mai phải chuẩn bị tới 10 lạng vàng, hai hòm quần áo cho cô dâu, một hòm quần áo cho em cô dâu để đi đưa dâu. Khi đi đón dâu buộc nhà trai phải có đủ 12 chiếc xe con.
Câu chuyện lệ làng chẳng giống nơi nào khác khiến cho những đám cưới thực hiện theo hủ tục thời đó trở thành của hiếm, thậm chí hàng chục năm mới có, mỗi lần được thực hiện chẳng khác gì một ngày hội trong làng.
Người phụ nữ làng Hoàng Xá.
Những cô gái xinh đẹp bị kìm kẹp trong tục lệ quá hà khắc của làng, khiến cho các cô gái không thể đi lấy người ngoài làng được. Có những trường hợp vì yêu chàng trai nơi khác, người phụ nữ phải trốn khỏi làng.
Tuy nhiên, bố mẹ ở lại bị phạt vạ một cách rất ghê gớm, nặng nề nhất là bị tước những danh hiệu trong làng, trong dòng họ, mổ lợn mời cả làng ăn uống. Tuy nhiên những tai tiếng thì mãi lưu truyền qua rất nhiều năm tháng.
Bỏ những hủ tục, chắt lọc những vốn quý trong nét văn hóa ứng xử khiến những gia đình của làng Hoàng Xá luôn sống hạnh phúc.
Cho đến ngày nay lệ thách cưới, nộp cheo hay tục chăng dây đều đã bị xóa bỏ. Các đám cưới ở Hoàng Xá ngày nay được tổ chức rất đơn giản và nhanh chóng. Những tập tục xưa được những người lớn tuổi trong làng viết lại, để những thế hệ sau này biết đến.