(Dân trí) – Không chịu được những cơn đau của căn bệnh u não hành hạ, chị Dự chọn cách tự ra đi với lời trăn trối nhờ mọi người giúp các con. Đớn đau đến tê dại, 3 đứa trẻ ngồi ôm tấm di ảnh khóc lặng lẽ.
Hỏi thăm về thôn Trung Chính, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, chúng tôi lặng lại trước câu chuyện đau lòng của gia đình chị Dự. Còn chưa hết bàng hoàng, đau đớn, chị Bùi Thị Hải – Chủ tịch hội chữ thập đỏ xã Xích Thổ nghèn nghẹn cho biết: “Hôm đó đúng ngày 20/10 em ạ. Các chị đang chuẩn bị tổ chức chương trình cho phụ nữ thì nhận tin chị Dự qua đời.
Thật sự là quá sốc, các chị chạy vội đến ngay thì chị ấy đã đi rồi. Trước đó chị Dự bị u não, đau đớn vật vã mấy năm trời, mà tiền không vay mượn được tiếp để đi viện. Chị ấy vì quá thương con nhưng lại bất lực nên mới lựa chọn cách này… Cả vùng biết chuyện ai cũng xót xa cho chị ấy”.
Những đứa con đau đớn đến bất lực trước sự ra đi của mẹ.
Cảm giác sốc và lặng đi, tôi khẽ thắp lên bàn thờ chị nén hương thơm với bao nhiêu suy nghĩ. Một người mẹ bất lực đến kiệt cùng, bất đắc dĩ phải tự kết thúc cuộc đời của mình trong sự xót xa, đau đớn của những người ở lại. Trước mặt là 3 đứa con, các em cho đến giờ vẫn không chấp nhận được sự thật rằng người mẹ kính yêu đã không còn có mặt trên cõi đời này nữa.
“Trước hôm đó mẹ cố gượng dậy ngồi chải tóc cho em và dặn dò em phải cố gắng học tập để sau này đỡ đần các em. Em đã không hề biết rằng đó là lần cuối cùng em được ngồi với mẹ”- Cô bé Trần Thị Hiền vừa ôm tấm di ảnh của mẹ, vừa bật khóc nức nở.
Anh Tiến rưng rưng kể lại những ngày vợ còn sống, hai vợ chồng thường ra con sông sau nhà đánh cá.
Hai em Trần Thị Kim Thoa (lớp 8) và Trần Quốc Dân (lớp 4) ngồi kế bên chị, đôi mắt cũng hoe đỏ run run. Sự ra đi quá đột ngột của mẹ khiến 3 đứa trẻ như rơi xuống vực thẳm của nỗi đau và sự hẫng hụt.
Đang trò chuyện với các cháu, thì từ xa anh Tiến lật đật đi vào. Gương mặt cúi gằm, buồn rượi, đôi chân run lập cập, anh ngồi sụp xuống hiên nhà mệt mỏi. Đã từ lâu anh mang trong mình đủ thứ bệnh, đi lại khó khăn nên trước sự ra đi đột ngột của vợ khiến anh càng sốc hơn.
Quay vào nhà nhìn các con, anh không chịu được cảm giác này nên quay mặt đi giấu những giọt nước mắt. Anh kể những ngày vợ còn sống, để có cái ăn cho 3 đứa con, đêm nào hai vợ chồng cũng chèo thuyền ra sông đánh cá. Cuộc sống tuy nghèo nhưng ấm áp, có vợ có chồng… Cho đến khi chị phát hiện bản thân bị u não.
3 đứa trẻ đứng trước nguy cơ thất học vì bố đau yếu liên miên, mẹ không còn.
“Những ngày cuối trước khi cô ấy ra đi, cô ấy cứ dặn tôi là dù có chuyện gì anh cũng phải vững tâm làm chỗ dựa cho các con. Tôi thì biết là cô ấy sẽ không sống được lâu nhưng không nghĩ là cô ấy lại chọn cách ra đi như thế”.
Anh Tiến không kìm lòng được, vừa tâm sự, vừa phải bám tay vào tường để không ngã đổ ra đất. Đớn đau, bất lực, anh chỉ biết nhìn các con mà chưa thấy có chút ánh sáng nào cả. Con gái lớn đã nhiều lần tâm sự với bố xin nghỉ học, đi làm nuôi các em nhưng anh không cầm lòng được, nên lại nhờ mọi người động viên con.
Biết bố còn lo lắng chuyện của mình, Hiển lại gạt nước mắt, sụt sùi: “Mẹ con bệnh mấy năm, đau đớn liên tục, bố thì cũng yếu, đi lại còn khó khăn nên con không biết làm sao cả. Hiện tại cả 3 chị em đi học thì bố không lo được nên con tính xin nghỉ học đi làm nhưng bố không cho. Con không biết làm sao cả”.
Hiển xin nghỉ học để chăm lo cho bố và hai em nhưng bố xin con học tiếp.
Xót thương cho 3 đứa trẻ, chúng tôi càng sốt ruột hơn bởi sức khỏe của anh Tiến ngày một yếu đi. Dõi đôi mắt ra xa về phía dòng sông sau nhà, anh Tiến lại mơ màng những ngày vợ chồng còn đi đánh cá… Vậy mà giờ chị đã ở một nơi rất xa không có bố con anh nữa.