Từng xảy ra những vụ việc người lớn để trẻ nhỏ ngồi phía trước xe máy rồi trẻ vô tình vặn tay ga dẫn đến những vụ việc thương tâm. Rất nhiều lời khuyên, cảnh báo của các chuyên gia được đưa ra, nhắc nhở mọi người luôn cẩn thận để tránh xảy ra những vụ việc tương tự.
Những lời nhắc nhở, cảnh báo không bao giờ thừa bởi chỉ cần xảy ra sơ suất nhỏ đã dẫn đến những trường hợp đau lòng mà có hối hận thì cũng đã quá muộn màng. Một gia đình đã phải tiễn biệt đến 3 người thân khi trẻ nhỏ vặn vào tay ga xe máy càng làm mọi người cảm thấy lo lắng và nhắc nhở nhau nên thận trọn để tránh rủi ro. Chi tiết về vụ việc này, theo TTO, ngày 27/5, ông Nguyễn Văn Dũng, bí thư Huyện ủy Phù Mỹ (Bình Định), xác nhận trên địa bàn xã Mỹ Thắng vừa xảy ra vụ việc thương tâm khiến 3 người không qua khỏi.
Theo ông Dũng, vào khoảng 8h ngày 26/5, chị Nguyễn Thị Ngọc Th. (26 tuổi, trú thôn 9, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) chở bà Huỳnh Thị R. (53 tuổi, mẹ chồng) và hai con Trần Nguyễn Hoàng Y. (4t), Trần Nguyễn Tuấn K. (1t) đi khám bệnh cho K..
Mọi người không khỏi ngậm ngùi trước sự việc quá đau lòng – Ảnh: VNN
Khi đến trước nhà ông Nguyễn S. (cha ruột của chị Th.) ở thôn 8 Tây, xã Mỹ Thắng, chị Th. gửi Y. cho cha mình giữ giúp. Tuy nhiên, Y. vặn tay ga khiến chiếc xe chạy nhanh về phía trước và lao mạnh vào bờ rào. Vụ việc khiến bà R., K., Y. không qua khỏi trên đường đến bệnh viện, chị Th. bị ảnh hưởng nặng phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.
Nhiều người, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhưng nhắc nhở, cảnh báo đối với người lớn nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra khi chở trẻ trên xe máy. Theo VNN, vụ việc mới vừa xảy ra ở Bình Định không phải trường hợp đầu tiên trẻ vô tình vặn tay ga dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Vào cuối tháng 9/2022, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng tiếp nhận điều trị cho bé 4t ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng nặng.
Sự việc xảy ra khi hai mẹ con từ trường về nhà, bé được ngồi phía trước như mọi khi. Đến chợ, người mẹ dừng xe mua đồ, do xe máy có tính năng ngắt động cơ tạm thời nên chị sơ ý không tắt máy. Bé gái sau khi xuống lấy đồ do mẹ mua đã trèo lên xe máy, cùng lúc mẹ của bé bỏ tay lái ra để lấy ví trả tiền. Lúc lên xe, bé vô tình nắm vào tay ga và vặn mạnh khiến chiếc xe lao đi, cả hai cùng ngã văng ra đường.
Trước đó, chiều 9/1/2022, mạng xã hội cũng chia sẻ clip ghi lại vụ việc tại đường Triệu Nữ Vương, phường Hải Châu 2, TP Đà Nẵng. Theo clip, trên xe máy tạm dừng đỗ có 3 người, người phụ nữ trẻ cầm lái, người phụ nữ lớn tuổi và cháu bé ngồi phía sau. Khi đó, người phụ nữ lớn tuổi xuống khỏi xe máy còn cháu bé nghiêng người sang trái và định bước xuống xe.
Do còn nhỏ nên cháu bé đã phải bám vào vai của người phụ nữ cầm lái để xuống xe. Lúc này cháu bé vô tình nắm vào tay lái và vặn ga khiến xe máy lao vút đi. Chiếc xe chỉ dừng lại khi va vào ô tô đỗ bên kia đường, hai người trên xe bị ngã ra đường.
Bà con, họ hàng động viên gia đình trước sự việc đáng tiếc – Ảnh: Baogiaothong
Mặc dù có nhiều vụ việc xảy ra nhưng tình huống người lớn cho trẻ ngồi phía trước hoặc đứng trên phần để chân của xe tay ga mà không đeo đai thắt an toàn khi tham gia giao thông khá phổ biến. Thậm chí, có người vừa chạy xe vừa giữ trẻ ở trước bằng một tay.
Chia sẻ với VNN, TS. Nguyễn Minh Hiếu (Trường Đại học GTVT) cho biết, việc cho con nhỏ ngồi đằng trước là một thói quen thường thấy của một số người khi tham gia giao thông bằng xe máy.
“Nguyên nhân đầu tiên là cha mẹ thấy rằng con còn nhỏ (3-6t) nên không thể tự ngồi đằng sau một mình. Trẻ có thể không chú ý, quên ôm hoặc giật mình khi xe tăng tốc đột ngột.
Theo TS. Nguyễn Minh Hiếu, nguyên nhân tiếp theo là nhiều phụ huynh chiều con, cho ngồi phía trước xe khi thấy trẻ tỏ ra thích thú với tầm nhìn rộng, quan sát nhiều hơn. Thậm chí, một số cha mẹ còn muốn tạo thêm cảm giác cho con thông qua việc cho trẻ thực hiện bấm còi hoặc bật đèn xi nhan.
Nguyên nhân thứ 3 là việc cho con ngồi đằng trước khá phổ biến nên nhiều cha mẹ học theo và đánh giá thấp rủi ro của hành vi này.
TS. Nguyễn Minh Hiếu nhấn mạnh: “Việc để trẻ em ngồi đằng trước là hết sức rủi ro vì trẻ nhỏ chưa có sự đánh giá chín chắn về hành vi của mình. Các em có xu hướng tò mò và học theo hành vi của người lớn. Trên thực tế, việc các em bé tùy tiện bóp còi hoặc bật đèn xi nhan không phải là hiếm. Nguy cơ hơn, một số trường hợp còn nghịch tay ga và vặn chìa khóa tắt máy xe”.
TS. Nguyễn Minh Hiếu cho biết, các hướng dẫn và quy định điều khiển phương tiện thường nhấn mạnh việc không để trẻ em ngồi trước và tiếp cận trực tiếp với khu vực lái.
“Ví dụ khi đi ô tô, trẻ em được yêu cầu ngồi sau xe và có ghế riêng cố định. Đối với xe máy, cũng cần thiết phải yêu cầu trẻ em đi cùng ngồi phía sau và được cố định với người lái thông qua địu hoặc dây đai. Một giải pháp khác đó là lắp thêm ghế cho trẻ em ở phía sau xe máy”, TS. Nguyễn Minh Hiếu khuyến cáo.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, khi cho trẻ đi xe máy thì người lớn nên lái xe với tốc độ ổn định vừa phải. Với trẻ nhỏ 1 – 2t, an toàn nhất là để trẻ ngồi giữa 2 người lớn, tuyệt đối không cho trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy.
Với trẻ lớn hơn, cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không để trẻ đứng trên xe với bất cứ lý do nào. Đặc biệt, khi người lớn xuống xe máy thì phải tắt máy và cho trẻ xuống xe.
Ảnh phải: Mọi người đến chia buồn cùng gia đình – Ảnh: VTC
Thời gian qua rất nhiều vụ việc liên quan đến ao hồ sông suối khiến các học sinh, trẻ em không qua khỏi, mọi người cũng đã nhắc nhở nhau thế nhưng vụ việc vẫn xảy ra, không ở địa phương này thì cũng ở địa phương khác. Các hình ảnh, thông tin về các vụ trẻ nhỏ văn tay ga dẫn đến hậu quả khó lường cũng được nhiều người chia sẻ, nhắc nhở nhau, thế nhưng một số người lại cho rằng không nên nhắc quá nhiều về những xót xa mà người trong cuộc đã chịu đựng. Tuy nhiên, việc gợi lại những sự vụ này nhằm góp phần tạo sự chú ý của mọi người, bớt đi sự vô tâm, thêm sự cẩn trọng để có thể phòng tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra trong gia đình, với người thân của mình.